Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Tìm hiểu một thể loại thơ khó hiểu

Hồn chữ: thơ trừu tượng - abstract poetry - Tạp chí Da Màu - Văn chương không biên giới
Tác giả : Ngu Yên
(Trích Đọc Thơ Trước Nửa Đêm)

Mark Rothko,  Untitled
(Violet, Black, Orange, Yellow on White and Red), 1949

Đã nhiều năm tôi suy nghĩ về thơ Trừu Tượng. Hầu như chúng ta đều biết về nghệ thuật Trừu Tượng, nhất là về hội họa, cho dù lắm khi chúng ta không biết rõ tranh trừu tượng vẽ cái gì. Nhưng không thể lầm lẫn khi vẽ bậy, phết đại, sơn ẩu, rồi gọi là trừu tượng.

Thơ Trừu Tượng có phải như tranh Trừu Tượng, nghệ thuật tạo hình Trừu Tượng?

Thơ Trừu Tượng hầu như ít nghe nói. Người ta định nghĩa thơ Trừu Tượng là thơ chủ yếu sử dụng thanh sắc, kết cấu, nhịp điệu và vần điệu để diễn đạt tâm tình thay vì phó thác vào ý nghĩa của ngôn ngữ. ( Abstract poetry: Poetry that aims to use its sounds, textures, rhythms, and rhymes to convey an emotion, instead of relying on the meanings of words.) Định nghĩa này không nói ra được bản sắc đặc thù của Thơ Trừu Tượng. Tính tổng quát của thơ là thanh sắc, nhịp điệu, vần điệu để diễn đạt. Còn tình cảm và ngôn ngữ thì không thể phân biệt như trên lý thuyết hoặc trên lý tính.

Một định nghĩa khác, chuyên đề hơn: Thơ Trừu Tượng, như ý nghĩa tự tại trong tên gọi, là thơ không đặt nặng vào văn tự theo ý nghĩa cụ thể hoặc hiểu ngầm. Thông thường chữ trong thơ Trừu Tượng được sử dụng vì hồn chữ hơn là ý chữ, giống như nghệ thuật tạo hình Trừu Tượng chỉ dùng màu sắc và hình thể hơn là sáng tạo trình bày hình tượng. Loại thơ Trừu Tượng này còn được biết như là Thơ Âm Điệu (sound poetry) (2). Trên diện mở rộng, thơ Trừu Tượng cưu mang những hình tứ bất chợt đến từ vô thức và dùng những kỹ thuật của những nghệ thuật Trừu Tượng khác. Mặc dù không thích hợp cho mọi sở thích, loại thơ này cũng mang đến sự tồn tại của kinh nghiệm thẩm mỹ.(2) 

“… Abstract poetry, as the name suggests, is poetry that does not lend itself to a literal, or concrete, interpretation. Often the words are chosen more for their sounds than for their meanings, in the same way that abstract visual art is often more about color and shape than about creating representational images. This kind of abstract poetry is also known as sound poetry. In a broader sense, abstract poetry is poetry that employs random images, stream-of-consciousness, and other abstract art techniques. Although not for all tastes, this kind of poetry can create memorable aesthetic experiences.” Trích: http://www.wisegeek.com/what-is-abstract-poetry.htm.

Có thể nói, thơ Trừu Tượng mang hai điểm nhấn:

- Không chú trọng vào ý nghĩa của ngôn ngữ mà nhấn mạnh đến sự sinh hoạt của chữ trong các kỹ thuật âm sắc, tiết tấu, vần điệu và trên hết là cảm nhận.

- Tứ thơ đến từ vô thức với bản sắc tình cờ và duyên phận của chữ.

Thực tế, khó mà phân biệt thơ Trừu Tượng và thơ Ấn Tượng ở chỗ thanh, sắc, vần, điệu. Khó phân biệt giữa thơ Trừu Tượng và thơ Siêu Thực ở tứ thơ qua hình ảnh và ngôn ngữ đến từ vô thức. Một sức tự động không biện giải.

Gần đây, người đọc thấy nhiều bài thơ Việt giống như ráp chữ, không mấy có nghĩa lý, xuất hiện trong văn trường, nhất là trên những mạng điện tử. Có phải đây là thơ Trừu Tượng?

“Đập một cái nhảy ra tiếng hét
ngoáy cát tình
buồn rầu bố cáo
mặt trời ầu ơ…”

Chữ nghĩa cứ như vậy tràn ra mặt bằng, mặt trắng, khiến cho người đọc ngẩn ngơ, không rõ có điều chi bí ẩn hoặc thương đau trong lòng thi sĩ? Hoặc có ý nghĩa cao thâm nào đó mà thi sĩ phải diễn tả theo một phương pháp đặc thù?

Cũng không phải siêu thực, không phải ấn tượng, càng không phải biểu hiện hoặc biểu tượng, không phải thơ bình thường. Không lẽ là loại thơ Trừu Tượng.

Làm thơ thì không cần phải theo môn phái nào, không cần kỹ thuật nào, thậm chí không cần nghệ thuật thơ, thích là viết. Đơn giản chỉ vậy thôi.

Ý nghĩ đó thuộc về bất khả tư nghị. Không ai có thể đụng vào.

Chỗ có thể tư nghị là cho dù một người viết đại xuống một câu không đầu không đuôi vẫn thuộc về một loại nào đó của ngôn ngữ: Loại này, loại kia, loại tổng hợp, loại phối hợp và loại không thuộc loại nào. Thơ cũng không ngoại lệ.

Chỗ có thể tư nghị là mọi thứ nếu tồn tại trên cõi sống đều có lý do của nó. Thơ cũng không ngoại lệ. Vậy thì, lý do của loại thơ bí hiểm như ví dụ trên là gì?

Có phải là thơ Trừu Tượng không? Có thể, nếu nhìn ngắm theo con đường tranh vẽ trừu tượng. Chấm-chấm-phết-phết-ngoáy-sọc-rảy……Trông có thể cảm được là có-thể-thử.

Nói như vậy là bôi bác. Nghệ thuật tranh Trừu Tượng là một nghệ thuật cao kỳ trong nghệ thuật tạo hình và hội họa hiện đại. Những nghệ sĩ tạo hình phái Trừu Tượng, những họa sĩ vẽ tranh trừu tượng trên thế giới, nổi tiếng có thể sắp thành một danh sách rất dài hàng chục trang.

Nhìn ngắm những sáng tác trừu tượng của thật, bắt chước và giả, thưởng ngoạn chỉ có thể kết luận: chỉ vì người sáng tác bôi bác.

Vì sao sáng tác bôi bác? Trong sáng tác chân chính: Đi tìm cái mới trong thơ cần can đảm và đam mê. Can đảm bỏ cái cũ đang được ưa thích, đang được ca tụng, đang được thành danh để đi tìm cái chưa thấy, chưa có, chưa biết ra sao. Một sự đánh đổi thiệt thòi được chọn lựa bởi lòng đam mê. Yêu cái tò mò, hồ nghi của kẻ đi tìm. Yêu cái thú vị khi đang mò mẫm. Yêu cái sung sướng khi tưởng đã tìm ra và yêu cái buồn bã khi thất vọng. Cuối cùng là yêu cái tâm hồn của người phiêu lưu trong thế giới văn chương.

Nói như vậy là sự suy nghĩ của người ngoài. Người trong cuộc cho là, đi tìm cách diễn tả mới là một nhu cầu không phải vì ngông cuồng, hoang tưởng. Lại càng không phải vì muốn thuyết phục. Khi cách vẽ chân dung đến độ cực kỳ cao cấp, vẫn không thể vẽ hết được người vì con người đa dạng và nhiều lớp vỏ. Ông Picasso mới vẽ chân dung ba mắt, hai mũi, miệng méo để khơi động cảm nhận của thưởng ngoạn về sự phúc tạp của con người. Nhưng trước tiên, ông Picasso tìm cách thỏa mãn khi diễn đạt chân dung con người trong tư duy, cảm thức và kinh nghiệm của riêng ông.

Làm nghệ thuật trừu tượng, trước hết là vì nhu cầu diễn đạt những gì mà lề lối thông thường, những kỹ thuật của nghệ thuật khác không thỏa mãn tác giả. Nói một cách khác, thi sĩ có những nỗi niềm cần được diễn đạt bằng cách trừu tượng. Sau đó là cá tính của tác giả. Chọn cách làm thơ là chọn cách biểu lộ cá tính. Nói ngược lại sẽ đúng hơn và dễ hiểu hơn, cá tính của một thi sĩ sẽ chọn cách làm thơ. Và cách làm thơ sẽ trở thành đặc thù khi nhà thơ đã thực sự là thi sĩ.

Kỹ thuật sáng tác nghệ thuật trừu tượng

Người lớn đút cơm cho con nít ăn là một ví dụ. Khi đưa muỗng cơm vào gần miệng đứa bé, đa số người lớn hả miệng trước. Nếu quan sát, sẽ thấy miệng của họ méo theo miệng của em bé mở ra, cơm vào, cơm rớt, miệng của người lớn diễn tả đầy đủ và chỉ ngậm lại vui mừng khi đứa bé đã ngậm trọn muỗng cơm.

Tại sao người lớn mở miệng?

Trả lời: – Để con nít bắt chước hả miệng theo.

Trả lời đúng hơn: – Phản ứng tự nhiên của tâm tình, vắng mặt lý trí, khi chú tâm cho con ăn. Nói một cách khác là "vui buồn" theo con trẻ.

Nghệ thuật trừu tượng, trước hết, là phản ứng tự nhiên của tâm tư, tâm tình, tâm sự về một đối tượng có sức thu hút làn đam mê của tác giả, như người đút cơm.

Và độc giả cảm nhận khi nhìn thấy "miệng hả, miệng méo" của tác giả mà sinh lòng "hả miệng" đón cơm, nhai thơ, thưởng ngoại chất trừu tượng.

Kỹ thuật làm thơ Trừu Tượng sử dụng các kỹ thuật của nghệ thuật tạo hình và hội họa trong phái Trừu Tượng.

Dùng chữ và thanh điệu sáng tạo một tác phẩm có ít nhiều tương quan hoặc độc lập với đối tượng thơ. Làm hồi sinh hoặc làm tái sinh ảnh tượng, ảo tưởng, ảo giác từ một sự việc cụ thể trong đời sống. Do đó, người ta còn gọi Nghệ thuật Trừu Tượng là nghệ thuật không đối tượng, nghệ thuật không tượng trưng.

Kỹ thuật của Trừu Tượng bao gồm cả các phái nghệ thuật tạo hình hoặc vẽ lại kinh nghiệm riêng tư về "ý tưởng" hoặc "quan niệm" hoặc "tình cảm", về đối tượng vô hình. Khi vẽ, đừng vẽ hình ảnh đang có trong đầu. Khi viết, đừng viết về đối tượng đang có trong tâm tư. Để cảm giác và cảm xúc dẫn chữ nghĩa xuất hiện. Cảm giác yêu đương, cảm giác sợ hãi, cảm giác giận dữ sẽ theo cảm xúc mà đến, tự động mang theo chữ. Như họa sĩ vẽ tranh trừu tượng Mark Rothko nói rằng, ông không quan tâm về hình thể hoặc sự tương quan giữa hình thể và màu sắc. Ông chỉ thích thú về diễn đạt những tình cảm căn bản của con người như sợ, yêu, sợ, hân hoan và những tâm tình như vậy… (Trích: Mark Rothko, an abstract colorfield painter, declared that he was in no way interested in form or the relation between form or color. He said, all he was interested in, was depicting basic human emotions like fear, love, exaltation and such.)

Như vậy, thơ Trừu Tượng có thể nói, bao gồm tất cả mọi loại thơ với nét đặc thù là diễn đạt một cảm giác, một kinh nghiệm không cụ thể như một ý tưởng chẳng hạn. Và ngôn ngữ tuôn trào một cách tự nhiên và quan trọng là tình cờ. Nói theo chữ nhà Phật là duyên. Chữ xuất hiện tình cờ theo duyên số của nó.

Gió mùa đông rắc vôi vào trí nhớ
Mưa dĩ vãng râm ran lời gái Thổ
Cả nhân gian là nghĩa địa khổng lồ
Chết từ khi đang vùng vẫy thoát thai
Những tử thi ân ái với sương mai

Ma hú tiếng Phạn
Máu rớm Hoa Nghiêm
Dòng sông đen những xoáy mắt huyền
Chìm vào cõi hôn trầm chuông mõ
Con mèo đen liếm láp tuổi tàn đông
Nắng Linh Sơn đầu thai ở má hồng

Em vạch vú thâm ru trẻ khóc
Niềm tịch lặng đâm toác chiêm bao
Mạng nhện giăng trên những hư hao
Hỏa Ngục lại bội thu mùa vụ

Gió Ngọa Vân thét gào
Trúc Lâm bén lửa
Diêm Phù Đề thành sa mạc hoang liêu
Chỉ còn lửa đỏ
Và môi em đỏ
Rượu quánh những câu kinh

(Tháng Chạp. Thơ Thiện Lai*. Nguồn: damau.org)

Đọc bài thơ Tháng Chạp của Thiện Lai: Những tứ thơ rời rạc, những câu thơ không luận lý, chỉ tương quan với nhau trong bài thơ để nói về một điều gì mơ hồ. Lộ liễu những cụm từ nhà Phật cùng một lúc với chữ trần tục, tạo ra sự phản kháng của tâm linh bó trong khuôn khổ. Thật ra, không cần phải biết tác giả nói điều gì, chỉ cần cảm nhận cái không khí đối chọi giữa bản năng và áp lực của thiêng liêng. Bài thơ không có chân dung, không có truyện, không có gì cụ thể. Chỉ có mơ hồ chuyện làm người. Làm người vốn đã khó. Làm người có cấp độ lại càng khó hơn.
(Còn tiếp)

*Thiện Lai là bút danh của con trai Thanh Mai

11 nhận xét:

  1. Em chịu.... thơ kiểu này.có lẽ cũng là một phát kiêns mới... Dần mọi người sẽ quen và thích!, chị Thanh Mai nhỉ?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng phải là phát kiến mới mà nó đã có từ lâu rồi em ạ!

      Xóa
  2. Chị Mai ơi, con trai chị là nhà thơ...thơ trừu tượng ư?
    Thơ kiểu này mà thành công thì phải là người có trí tuệ..Hì, em chịu!

    Trả lờiXóa
  3. Mình đã đọc một số bài thơ được người ta xếp vào thể loại "Thơ trừu tượng". Đúng là có khó hiểu, nhưng vẫn có thể hiểu được "Ý tứ" của bài thơ.
    Riêng đọc bài"Tìm hiểu về THỂ thơ khó hiểu" này thì ...đúng là khó hiểu thật.
    Bạn TM ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để cho những người thích thể loại này hiểu với nhau bạn ạ!

      Xóa
  4. Minh cũng đọc nhiều mà chưa hiểu về thể loại này bạn ạ -nó còn mông lung quá đi -
    Chúc tối vui vẻ nhé -

    Trả lờiXóa
  5. Thơ thì từ từ tìm hiểu. TM phác họa nơi ở mới ra sao, nghe nói chân hoạt động trỏ lại tốt rồi, phải không, hay cố gượng và sự chịu đựng, phấn đấu thôi. Mình nghi TM vẫn còn đau khi cử động nhiều. Đừng nóng vội nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỗ ở mới là một căn hộ chung cư như bao căn hộ khác thôi mà. Ở đây được yên tĩnh nên ngủ tốt hơn. Nó Đắt hơn các căn hộ chung cư khác vì nó vẫn nằm trong quận nội thành chứ chẳng đẹp bằng khu ngoại thành có nhiều đất đai, phong cảnh hữu tình hơn!
      Chân mình đi nhiều thì mới bị đau, như thế cũng là may rồi!

      Xóa
  6. Em gái chẳng giỏi giang về thơ ca
    Nên mù tịt về chuyện này chị gái ơi

    Chúc chị gái tuần mới luôn vui cười (~_~)

    [img] http://i1090.photobucket.com/albums/i377/haduyennt/bd_zpscc9d870d.gif[/img]

    Trả lờiXóa

Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]